Welcome to Visma Vietnam’s Business Solutions!

Ngày đăng | 26-03-2016

Hợp tác đào tạo & Cung ứng nhân lực

Tổ chức Visma Việt Nam

Mới đây, tại Hà Nội Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác đào tạo nhân lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động các ngành trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”. Đây là dịp để hai quốc gia, cùng các chuyên gia đầu ngành đánh giá lại thực trạng, tiềm năng, cùng những cơ hội, đề xuất những giải pháp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản

Tại Hội thảo, TS. Yoichi Sakurada - Viện Nghiên cứu Mitsubishi, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp (10 năm về trước). Cụ thể, TS. Yoichi Sakurada cho biết những dự án mà Nhật Bản đã thực hiện như dự án đào tạo nhân lực hạt nhân trong sản xuất, chế tạo thông qua liên kết doanh nghiệp - trường học (2005-2008); dự án thúc đẩy áp dụng chương trình đào tạo khởi nghiệp (2002-2006) hay dự án khấu trừ thuế theo hệ thống nhằm thúc đẩy đầu tư nhân lực (2005-2012). Để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược này, Chính phủ Nhật Bản đã giao Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp là cơ quan điều phối. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm gắn kết các dự án đào tạo giữa các trường, viện với các tổ chức kinh tế Nhật Bản dưới các hình thức hợp tác/ ủy thác. Song TS. Yoichi Sakurada cũng nhấn mạnh, mối quan hệ ba bên giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp điều kiện quan trọng nhất là phải cùng chung một nhận thức về nhu cầu hợp tác. Các doanh nghiệp có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm của các lao động có tay nghề, các trường đại học có nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Chính phủ mong muốn xuất khẩu nguồn nhân lực toàn cầu. Những hành động để tạo ra sự liên kết đó là sự điều phối, hiện tại, Chính phủ Nhật Bản cũng dành nhiều nguồn lực và tâm sức cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Theo đó, tính đến năm 2014, Nhật Bản có 3.205 trường đào tạo nghề với hơn 669.669 học sinh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản vẫn đánh giá cao đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo ở các trường nghề hơn là tốt nghiệp từ các trường đại học. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng có chính sách khấu trừ thuế theo hệ thống thúc đẩy đầu tư nguồn nhân lực.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đã xác định việc phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược của nước ta trong giai đoạn 2011-2020. Trên thực tế, sau gần 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá gắn với tri thức, đặc biệt là vẫn thiếu hụt đội ngũ lao động có kỹ năng, công nhân có kỹ thuật để phục vụ cho các ngành công nghiệp chiến lược. Nguyên nhân là do sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo còn yếu. Do đó việc tìm ra các giải pháp hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và vai trò của nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. 

Đến hợp tác với các trường Đại học của Việt Nam

Nhận định về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, sau quá trình 30 năm đổi mới, mặc dù có những thành tựu, song chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm cần nhìn nhận và đánh giá lại, đặc biệt trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Cụ thể, là các vấn đề như, thiếu hụt đội ngũ có kỹ năng, công nhân có kỹ thuật, có tính chuyên nghiệp để phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam. Một hạn chế lớn khác là sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo lao động còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, dù nguồn lao động dồi dào, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề còn phổ biến. Điều này đã hạn chế rất nhiều khả năng tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo PGS. Phạm Hoàng Lương - Phó hiệu trưởng (trường đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, thời gian qua trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có 36 văn bản hợp tác được ký kết với các trường, viện từ Nhật Bản; 17 thỏa thuận với các công ty Nhật Bản. Hàng năm, hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản tới thăm và có các đề xuất hợp tác với Trường. Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu ở các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực với quốc tế, TS. Phạm Xuân Dương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải cho biết, ngay từ những năm 1990, Trường Đại học Hàng hải đã chủ động vận dụng cơ chế được Nhà nước cho phép mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác với các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động, như: thành lập các công ty, trung tâm liên doanh với nước ngoài, trung tâm tư vấn… do cán bộ, giảng viên Nhà trường điều hành, quản lý. Đồng thời, thiết lập quan hệ song phương với nhiều trường hàng hải trên thế giới, các tổ chức quốc tế và cả những công ty nước ngoài. Thông qua đó, Trường đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học với các viện và trường đại học của Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản… Riêng với Nhật Bản hàng năm, Công ty Vận tải thép Nhật Bản (NS United) và công ty VINIC của nhà trường đã thường xuyên tiến hành phỏng vấn cấp học bổng cho sinh viên từ năm thứ 3. Mỗi năm có khoảng 10-15 sinh viên được nhận học bổng và được cử đi thực tập tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, trường cũng đã có sự hợp tác với 3 đối tác lớn từ Nhật Bản là Tập đoàn Mutsui&Co., Tập đoàn đóng tàu Shin-Kurushima và Tập đoàn Thiết bị tàu thủy KANAX để thành lập công ty liên doanh Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ tàu (công ty VMSK).

 

Tuy nhiên, theo gợi ý chính sách của ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, những hợp tác và đạo tạo nêu trên mới chỉ là sự chủ động liên kết của các trường đối với các doanh nghiệp, tổ chức. Nó thực sự chưa mang tầm quốc gia, vì chưa có sự định hướng của Chính phủ. Do đó, trong thời gian tới, ông Toma Masaaki mong muốn, cần phải có một cơ quan làm đầu mối, để tập chung tạo sự liên kết khách quan nhất. Vì hợp tác đào tạo từ góc độ quản lý nhà nước nên phải có tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn 5 - 10 năm tới chúng ta cần nhân lực như thế nào để có chiến lược kế hoạch đào tạo ở thời điểm hiện tại./.

 

Trịnh Phương - mof.gov.vn

 

TIN BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  • Tư vấn: Lập hồ sơ & Tổ chức đấu thầu

    TƯ VẤN ĐẤU THẦU là một trong những thế mạnh nổi trội của Visma Việt Nam, với đội ngũ chuyên gia TƯ VẤN ĐẤU THẦU giàu kinh nghiệm đã từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo nhà nước, các giảng viên của các trường đại học danh tiếng. .. các chuyên gia TƯ VẤN ĐẤU THẦU của chúng tôi đáp ứng các yêu cầu của LUẬT ĐẤU THẦU 2013 về CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ ĐẤU THẦU,

  • Tư vấn: Lập và triển khai dự án NGOs

    Hà Nội ngày 15 tháng 10 năm 2015 – “Không bỏ lại ai phía sau và hành động của Việt Nam” là tiêu đề của Diễn đàn giảm nghèo được tổ chức tại Hà Nội ngày hôm nay để kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo (IDEP) và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (ngày 17 tháng 10).

  • Tư vấn: Giải pháp Cổng thông tin điện tử

    Cổng thông tin điện tử là một công cụ hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội giao dịch với các cơ quan Nhà nước thông qua môi trường điện tử một cách thuận lợi và minh bạch.