Welcome to Visma Vietnam’s Business Solutions!

Ngày đăng | 05-05-2011

Bất động sản TP.HCM: Biệt thự nhà vườn “dậy sóng”

Tổ chức Visma Việt Nam

Những năm gần đây, một phân khúc bất động sản đang âm thầm “dậy sóng” tại TP.HCM, đó là đất biệt thự nhà vườn tại các quận vùng ven đang được nhiều người lùng mua.

 Đầu tháng 4, chúng tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Đức, một chủ doanh nghiệpngành gỗ tại TP.HCM đi “săn” đất để xây biệt thự nhà vườn. Địa điểm ông Đức nhắm tới là phường Phú Hữu, quận 9. Theo ông Đức, để sở hữu được mảnh đất khoảng 300 m2 tại các quận vùng ven khá mất công, ông đã phải đi lại nhiều lần, bởi với phân khúc này, người mua phải tìm tới những công ty môi giới nhà đất, hoặc tìm người dân có nhu cầu bán.

Sau khi xem một mảnh đất rộng 350 m2, nhưng chưa chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, giá chỉ 6 triệu đồng/m2, mặc dù người bán nhiệt tình quảng cáo là sẽ dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng ông Đức e ngại và lại tìm tới một công ty môi giới. Cũng theo ông Đức, tháng trước có một mảnh đất rộng 400 m2, vị trí khá đẹp, đất thổ cư đã tách thửa, giá chỉ có 14 triệu đồng/m2, nhưng vì ông lưỡng lự chưa đặt cọc, hai hôm sau quay lại thì đã có người khác mua mất.

Lần này, ông Đức nhờ Công ty môi giới bất động sản Gia Đạt tìm mua được một mảnh đất 350 m2, ông lập tức xuống tiền ngay. “Thực ra, phân khúc này rất sôi động, hiện rất nhiều người tại TP.HCM có nhu cầu mua đất vườn làm biệt thự, giá còn lên nữa”, ông Đức nói.

Tại huyện Nhà Bè, đất dành cho biệt thự nhà vườn cũng nóng không kém. Nắm bắt nhu cầu nên các công ty môi giới bất động sản tại huyện Nhà Bè cũng mọc ra nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc Công ty môi giới bất động sản Thành Đạt (đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè) cho biết, hiện tại Công ty không còn thông tin lô đất nào dành cho xây biệt thự nhà vườn, hễ hở ra mảnh nào là đã có người lùng mua ngay. “Sau hai năm các đại gia ở thành phố về săn mua, giờ đất dành cho xây biệt thự nhà vườn khan hiếm lắm, muốn mua mảnh đất to giờ chỉ còn đất ruộng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng”, ông Thìn cho biết.

Tại huyện Hóc Môn, phân khúc này cũng đang “dậy sóng”, những công ty môi giới bất động sản tại đây ăn nên làm ra chủ yếu nhờ những thương vụ giới thiệu bán đất biệt thự nhà vườn.

Hớn hở vì mua được một mảnh đất rộng 600 m2 trên đường Xuân Thới Thượng với giá chỉ 3 triệu đồng/m2. Ông Hoàng Mạnh Cường, ngụ quận 2 TP.HCM cho biết, ông mua mảnh đất này để làm biệt thự nhà vườn cho gia đình về đây nghỉ cuối tuần.

Theo ông Cường, đất tại các quận vùng ven không dễ mua, vì không phải mảnh đất nào cũng có thể xây được biệt thự, bởi mảnh đất phải vuông vắn, đường đi phải thuận lợi, ô tô tránh nhau được, chứ không sau này sẽ khổ vì xung đột giao thông. Đất vùng ven đắt lên cũng là cơ hội làm ăn của những cò đất, họ nói giá cả vống lên rồi ăn tiền chênh lệch, có khi gấp rưỡi giá mà chủ đất rao bán.

Ông Nguyễn Cư Trinh, Giám đốc Công ty môi giới bất động sản Gia Đạt cho biết, phân khúc thị trường đất nền xây biệt thự nhà vườn tại các quận vùng ven đã ấm lên từ lâu, nhưng hiện nay là thời điểm sôi động nhất, bởi nền kinh tế đã dần phục hồi. Lượng người có tiền nhờ kinh doanh đầu tư tăng cao, nên nhu cầu sắm đất xây biệt thự nghỉ ngơi bùng nổ.

Tuy nhiên, ông Trinh cảnh báo, người mua đất nền xây biệt thự có thể trắng tay, nếu cứ cố liều mua đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong thực tế làm nghề môi giới, ông Trinh đã chứng kiến nhiều khách hàng hỏi mua đất ruộng vì giá rẻ, chỉ 5-6 triệu đồng/m2, trong khi đất thổ cư có giá 15-16 triệu đồng/m2. “Tâm lý háo hức sắm biệt thự nhà vườn cho bằng người khiến nhiều khách hàng mù quáng, trong khi người bán vì muốn bán được đất nên hay nói vun vào, hứa hẹn là sẽ dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, nhưng việc này rất khó khăn, nhất là hiện nay TP.HCM đang xiết chặt vấn nạn biến đất nông nghiệp thành đất xây dựng nhà ở trái phép tại các quận vùng ven”, ông Trinh nói.

Cũng có những trường hợp bị các công ty môi giới bất động sản “xui” mua đất nông nghiệp rồi họ sẽ giúp chạy chuyển đất nông nghiệp thành đất ở. Nhưng sau khi khách hàng mua và thanh toán tiền môi giới xong thì công ty môi giới phớt lờ luôn vì khó, người mua một mình chịu trận. “Người mua đất cần cảnh giác vấn đề này, vì đất nông nghiệp khi chuyển qua đất ở là điều không dễ, đặc biệt là những thửa đất có diện tích rộng”, ông Nguyễn Văn Du, Thanh tra xây dựng quận 9 cảnh báo.

Gia Huy

TIN BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  • Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

    ngày 17 tháng 3 năm 2016 – Hôm nay Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) và tổ chức Aide et Action Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tổ chức lễ Khởi động dự án ‘Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.’

  • Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng

    Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam (VID 2009) với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức thu hút hàng trăm đề án của các tổ chức trong và ngoài nhà nước tham gia. Sau thành công đó, chuỗi Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) ra đời với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh và một số nhà tài trợ khác với mục tiêu huy động sự tham gia tích cực của người dân nhằm hiện thực hóa các giải pháp phòng, chống tham nhũng từ cấp cơ sở.

  • Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói

    TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHO ĐẾN NAY Trong tất cả các Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở Mục tiêu Thiên niên kỷ 1 về giảm nghèo. Việt Nam đã giảm được 75% tỷ lệ nghèo, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008. Tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008. Tỷ lệ nghèo đã giảm đi ở tất cả các nhóm nhân khẩu, các khu vực thành thị cũng như nông thôn và trên khắp các vùng miền địa lý. Kết quả đạt được trong việc hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng rất lớn, giảm từ 41% xuống còn 11,7% năm 2011.

 1   2