Welcome to Visma Vietnam’s Business Solutions!

Ngày đăng | 12-04-2016

Đảm bảo bền vững về môi trường

Tổ chức Visma Việt Nam

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHO ĐẾN NAY Việt Nam đã và đang đạt được những tiến bộ đáng khích lệ về bền vững môi trường nhưng đến năm 2015 có nhiều khả năng sẽ không đạt được MDG 7. Biến đổi khí hậu đang khiến cho việc đạt được các mục tiêu quan trọng của MDG ngày càng khó hơn. Các thành tựu đã đạt được cho đến nay bao gồm đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (giai đoạn từ 2011 đến 2020) và vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (giai đoạn từ 2006 đến 2010 và từ 2011 đến 2015). Diện tích rừng bao phủ tăng từ 28,8% năm 1990 lên 39,5% tổng diện tích đất năm 2010. Hơn 96% tổng số hộ gia đình đã được sử dụng năng lượng hiện đại và được sử dụng điện lưới.

Mặc dù tỷ lệ khí thải nhà kính của Việt Nam thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng lượng khí thải toàn cầu năm 2004 song lượng khí thải CO2 tính theo đầu người đã tăng bốn lần trong giai đoạn 1990-2008. Việc sử dụng năng lượng (tương đương kg dầu) trên 1.000 đô la GPD (PPP) giảm từ 407 năm 1990 xuống còn 267 năm 2008.

Trong khi đó, năm 2011, 92% hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch an toàn, tăng lên từ mức 78,7% vào năm 2000. Các hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch tăng từ 73,5 lên 89,4% trong thập kỷ qua. Năm 2011, 78% tổng số hộ gia đình và 71,4% các hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tăng lên từ mức 44,1% và 32,5% vào năm 2000. Tỷ lệ dân sống trong nhà tạm giảm từ 15,9% năm 1999 xuống còn 7,8% năm 2009.

GIỮ VỮNG CÁC THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
Để đạt được MDG 7, Việt Nam cần hết sức chú trọng hơn vào 3 lĩnh vực quan trọng mà hiện tại đang chậm so với tiến độ, đó là: nước sạch và vệ sinh, biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Nước sạch và vệ sinh

Vẫn còn sự khác biệt về tiếp cận nước sạch giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, với tỷ lệ thấp nhất ở các vùng núi phía Bắc và Tây nguyên là 80,7% và 86,1%. Mức độ tiếp cận nước sạch cao nhất là ở Đồng bằng Sông Hồng và các vùng Đông Nam bộ (tương đương 99% và 98,4%). Trên phạm vi toàn quốc, 93,8% dân cư thành thị và 71,4% dân nông thôn sử dụng nhà vệ sinh cải tiến trong khi 1,1% dân số thành thị và 8,6% dân số nông thôn không có nhà vệ sinh cho đại tiện. Tình trạng không có nhà vệ sinh cho đại tiện chủ yếu xảy ra đối với người nghèo (22,9%) và các nhóm dân tộc thiểu số (27,5%). Ba vùng có mức sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và vùng phía Bắc.

Để cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, cần đầu tư nhiều hơn nữa về nhân lực và tài lực cũng như sự tham gia tích cực hơn của chính quyền và cộng đồng địa phương, đảm bảo tính bền vững của các dịch vụ được cung cấp. Cần đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân để tranh thủ các phương án xây dựng chi phí thấp cho các hộ dân ở nông thôn cũng như trình độ kỹ thuật và kỹ năng tiếp thị của tư nhân nhằm nâng cao nếp sống vệ sinh của người dân.

Biến đổi khí hậu

Việt Nam là một nước dễ bị thiên tai và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong hai thập kỷ qua, ở Việt Nam, trung bình hàng năm thiên tai liên quan đến khí hậu đã gây thiệt hại 1,8 tỷ đô la Mỹ tương đương 1,2% GDP (tính theo PPP) và tử vong trung bình 445 người. Khí thải nhà kính cũng đang gia tăng ở Việt Nam.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm chậm tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ ở Việt Nam. Lụt bão, hạn hán ngày càng nhiều hơn tác động đến sinh kế của người nghèo, đồng thời mực nước biển tăng sẽ ảnh hưởng đến các đồng bằng là nơi sản xuất lúa gạo của Việt Nam và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Công tác thích nghi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là rất cần thiết song cần có kinh phí và điều này có nghĩa là nguồn tiền dành cho việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ sẽ bị giảm đi.

Tuy vậy, hoạt động đối phó với biến đổi khí hậu là khả thi và có thể mang đến nhiều cơ hội cho phát triển. Cùng với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cần có sự phối hợp liên ngành hài hòa và sự hợp tác của các cơ quan và đối tác khác nhau.

Các ưu tiên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu:
·                Thực hiện hiệu quả chiến lược về biến đổi khí hậu với các mục tiêu dài hạn trong cả hai lĩnh vực thích ứng và giảm thiểu khí thải nhà kính;
·                Đưa những quan tâm về biến đổi khí hậu vào kế hoạch của cả khu vực công và khu vực
tư nhân;

·                Tăng cường quy hoạch không gian đô thị và nông thôn, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu;
·                Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm mở rộng đê điều, rừng ngập mặn, chắn bão, hồ chứa lớn để trữ nước ngọt, đường và cầu cần được gia cố để không bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.
·                Chuẩn bị cho một nền kinh tế đô thị có mức các-bon thấp và tăng hiệu quả sử dụng
năng lượng

·                Mở rộng năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời;
·                Cải tổ các chính sách tài chính liên quan đến sử dụng năng lượng hóa thạch (than, dầu và khí đốt tự nhiên);
·                Tăng cường nghiên cứu và xây dựng số liệu có chất lượng để hỗ trợ cho quá trình hoạch định chính sách; và
·                Nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và hỗ trợ các dự án truyền thông thay đổi hành vi.     

Bảo tồn đa dạng sinh học

Việt Nam là một trong 16 nước có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với các môi trường sống, các loài và các gien phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các môi trường đa dạng sinh học đang suy thoái và tình trạng mất đa dạng sinh học vẫn đang tiếp tục xảy ra. Số loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng tiếp tục tăng lên do tình trạng khai thác quá mức các loài động thực vật, do mất môi trường sống, do ô nhiễm và các loài xâm lấn.
Các hoạt động ưu tiên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm:
·                Thực hiện hiệu quả Luật Đa dạng Sinh học (năm 2008) bao gồm đưa bảo tồn đa dạng sinh học vào các kế hoạch phát triển;
·                Phân bổ nhiều kinh phí hơn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học;
·                Dành ưu tiên và tập trung nhiều hơn đầu tư vào bảo vệ các môi trường sống cũng như các loài quan trọng trên toàn cầu; và·                Tạo môi trường thuận lợi và có các chính sách ưu đãi để khuyến khích khu vực tư nhân và các hộ gia đình tham gia và góp phần bảo vệ các môi trường sống.

Nguồn UNDP Việt Nam

TIN BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  • Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

    ngày 17 tháng 3 năm 2016 – Hôm nay Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) và tổ chức Aide et Action Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tổ chức lễ Khởi động dự án ‘Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.’

  • Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng

    Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam (VID 2009) với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức thu hút hàng trăm đề án của các tổ chức trong và ngoài nhà nước tham gia. Sau thành công đó, chuỗi Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) ra đời với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh và một số nhà tài trợ khác với mục tiêu huy động sự tham gia tích cực của người dân nhằm hiện thực hóa các giải pháp phòng, chống tham nhũng từ cấp cơ sở.

  • Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói

    TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHO ĐẾN NAY Trong tất cả các Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở Mục tiêu Thiên niên kỷ 1 về giảm nghèo. Việt Nam đã giảm được 75% tỷ lệ nghèo, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008. Tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008. Tỷ lệ nghèo đã giảm đi ở tất cả các nhóm nhân khẩu, các khu vực thành thị cũng như nông thôn và trên khắp các vùng miền địa lý. Kết quả đạt được trong việc hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng rất lớn, giảm từ 41% xuống còn 11,7% năm 2011.

 1   2