Trên thực tế, hầu hết nhân viên đều muốn công việc mình làm đạt hiệu quả cao, bởi khi doanh nghiệp (DN) tăng trưởng tốt thì chính họ cũng được hưởng một phần thành quả ấy. Động lực đã có, điều họ cần là cảm hứng làm việc. Và đó chính là nhiệm vụ của lãnh đạo các cấp.
Dưới đây là 5 cách đơn giản giúp kết nối và truyền cảm hứng cho nhân viên:
1. Tạo ra tầm nhìn đầy cảm hứng
Dù bạn là nhà sáng lập công ty, giám đốc điều hành, thành viên ban điều hành DN hoặc nhà quản lý cấp cao, nhiệm vụ của bạn là phải vẽ ra một tầm nhìn đầy cảm hứng cho công ty.
Theo Jim Collins và Jerry Porras - đồng tác giả của quyển sách bán chạy Built to last (Xây dựng để trường tồn), một tầm nhìn có sức ảnh hưởng lớn bao gồm 2 phần: tư tưởng cốt lõi và sự hình dung về tương lai.
Tư tưởng cốt lõi là yếu tố xuyên suốt của DN, là "chất keo" kết dính mọi thứ lại với nhau, bao gồm các giá trị và mục đích cốt lõi của DN. Sự hình dung về tương lai bao gồm những mục tiêu lớn và táo bạo - những kiểu mục tiêu khiến nhân viên cảm thấy hào hứng để làm việc và biến chúng thành hiện thực.
Muốn kích thích tinh thần của nhân viên, điều quan trọng là đưa ra sự mô tả sinh động về việc "thế giới sẽ trở nên như thế nào" nếu DN đạt được những mục tiêu đã đề ra.
2. Kết nối nhân viên với tầm nhìn của DN
Khi truyền đạt tầm nhìn của DN, hãy giải thích chính xác vai trò của nhân viên đối với quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Chẳng hạn, nếu tầm nhìn của DN là mang nước uống sạch và có lợi cho sức khỏe đến với các nước thuộc thế giới thứ ba, tất cả mọi người đều phải biết họ cần phải làm gì và làm như thế nào để đạt được điều đó, từ những trợ lý hành chính, nhân viên thiết kế sản phẩm, nhân viên kinh doanh đến người phụ trách nhân sự.
Khi nhân viên hiểu rõ vai trò của họ đối với quá trình đạt đến tầm nhìn của DN, họ sẽ có cảm giác tự hào và sự kết nối rõ ràng để cùng nhau phấn đấu vì một sứ mệnh chung. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo DN là vẽ ra các "dấu chấm" và sau đó giúp đỡ mọi người kết nối chúng lại với nhau thành một "bức tranh" như mong muốn.
3. Xây dựng "văn hóa dũng cảm"
Nếu nhân viên sợ phạm sai lầm, họ đồng thời cũng sẽ bỏ qua tất cả mọi cơ hội. Ở một khía cạnh nào đó, việc nhận thức được rủi ro là điều tốt, nhưng tình trạng này nếu được khuyến khích đến mức trở thành văn hóa của DN thì DN sẽ không đủ khả năng thích ứng với những thay đổi, hoặc thậm chí là biến động lớn của thị trường, và do đó DN sẽ không thể đổi mới được. Hệ quả là DN sẽ bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua.
Vì vậy, nhà lãnh đạo cần phải xây dựng "văn hóa dũng cảm" trong công ty bằng cách loại bỏ cảm giác sợ hãi nơi nhân viên. Thay vì né tránh mọi rủi ro, hãy khuyến khích, rèn luyện nhân viên biết cách nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh mới mẻ và giúp họ có sự liều lĩnh nhất định trong quá trình làm việc.
4. Khen thưởng phù hợp
Khi thiết lập văn hóa khuyến khích sự dũng cảm, hãy tạo ra chính sách khen thưởng dành cho những nhân viên biết cách chấp nhận rủi ro một cách thông minh. Thậm chí khi họ thất bại, điều đó cũng có thể mang ý nghĩa tích cực vì đem đến những bài học có giá trị đối với hành trình chinh phục những mục tiêu chung của DN.
Richard Zimmerman - cựu chủ tịch và CEO của Hãng Hershey Foods - là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng với chính sách khuyến khích tư duy đột phá trong nhân viên. Ông luôn tưởng thưởng xứng đáng cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để theo đuổi những ý tưởng mà họ thật sự tin tưởng.
Hãy đề ra phương thức thưởng tốt nhất, hiệu quả nhất dành cho những nhân viên dám chấp nhận rủi ro một cách thông minh trong công ty và duy trì chính sách này thường xuyên để nhiều nhân viên khác có thể nhìn thấy và noi theo.
5. Thể hiện sự biết ơn
Khi nhân viên cùng đồng lòng phấn đấu hết mình cho tầm nhìn của DN và chấp nhận rủi ro một cách dũng cảm, đừng quên thể hiện lòng biết ơn đối với họ. Những nhân viên làm việc chăm chỉ và đầy cảm hứng xứng đáng được ghi nhận.
Trong khả năng của mình, DN nên và phải làm mọi cách để giúp họ có được cảm giác hạnh phúc khi làm việc.
Theo DNSG