Xu hướng toàn cầu hóa đã mở ra những cơ hội và thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự đa dạng của hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ đầu tư và tăng truởng ngày càng cao tại mỗi doanh nghiệp, đặc biệt với quá trình đẩy nhanh việc vốn hoá thị trường vốn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, hiện nay, nhà đầu tư vốn đã và đang dần tách rời khỏi vai trò quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy một hệ thống KSNB vững mạnh đang là một nhu cầu bức thiết, một công cụ tối ưu để xác định sự an toàn của nguồn vốn đầu tư, xác định hiệu quả điều hành của Ban điều hành doanh nghiệp cũng như kịp thời nắm bắt hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Để xây dựng một hệ thống KSNB phù hợp nhất cho mỗi doanh nghiệp, trước hết, cần xác định rõ những đặc điểm trọng yếu của lĩnh vực kinh doanh, hình thức quản trị, cơ cầu hệ thống các phòng ban điều hành, mối quan hệ tác nghiệp của mỗi phòng ban trong từng doanh nghiệp cụ thể. Kế đến, ta phải đề ra được một chính sách KSNB rõ ràng, minh bạch để tất cả Ban điều hành đều thấu hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả hỗ trợ cho công tác điều hành từ các công cụ tích cực của hệ thống KSNB.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, trong một tổ chức bất kỳ đều cần có hai hệ thống chạy song song. Thứ nhất đó là hệ thống đáp ứng yêu cầu kinh doanh, bao gồm các phòng ban chức năng, các quy trình thủ tục, các công việc cần thiết để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của tổ chức. Tuy nhiên, bất kỳ công việc nào, quy trình nào thực hiện ở trên cũng đều đối diện với những nguy cơ, sự cố, hay rủi ro tác động làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của công việc đó và tùy theo mức độ, gây ảnh hưởng từ thiệt hại trong mức chấp nhận được đến nguy cơ phá sản tổ chức. Nhằm giảm rủi ro cho tổ chức ở ngưỡng chấp nhận được, hệ thống thứ hai, KSNB, được thiết lập trên cơ sở các biện pháp, chính sách, thủ tục, tinh thần, giá trị, chức năng, thẩm quyền của những người liên quan và trở thành phương tiện sống còn trong hoạt động của mọi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, cải tiến hiệu quả hoạt động, hạn chế các sự cố, và hoàn thành mục tiêu của tổ chức.
Sự cần thiết phải xây dựng hệ thống KSNB như đã nêu trên là vô cùng bức bách và tối quan trọng cho mọi tổ chức. Tuy nhiên, hệ thống KSNB bao gồm những thành phần gì, phương pháp xây dựng ra sao, phương pháp nào để đánh giá tính khả thi của hệ thống kiểm soát nội bộ, phương pháp nào để cải tiến hệ thống kiểm soát nội bộ,v.v… vẫn còn là thắc mắc của rất nhiều tổ chức.
Một số tổ chức mơ hồ về hệ thống kiểm soát nội bộ. Một số khác nhầm lẫn về mặt chức năng giữa kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Nhiều tổ chức mơ hồ về phương pháp tiến hành xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. Nhiều tổ chức không hiểu rõ sự tương quan của hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống phòng ban chức năng và quy trình hoạt động của tổ chức. Nhiều tổ chức gọi tên và nhiệm vụ của kiểm soát nội bộ bằng những tên gọi khác và mang những ý nghĩa khác, v.v.
Tất cả các vấn đề trên cần phải được giải quyết thông qua việc hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về hệ thống kiểm soát nội bộ, các thành phần, phương pháp xây dựng, phương pháp đánh giá và cải tiến,… một cách bài bản và hệ thống.
Phải nói rằng, việc xây dựng hệ thống KSNB là trách nhiệm của mọi tổ chức, một trào lưu đang lên ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đây là nhu cầu tất yếu nhằm tăng khả năng cạnh tranh và là công cụ không thể thiếu của mọi tổ chức. Hệ thống KSNB, tạo nên một khởi đầu và tiếng nói chung cho các doanh nghiệp và tổ chức muốn phát triển và phát triển ổn định, phát triển có kiểm soát và được kiểm soát. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát chuẩn còn là một nền tảng, một căn cứ xác định hiệu quả, tính khả thi đối với các dự án mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm trên 90% doanh nghiệp cả nước thì việc hình thành tư duy, cách thức tiếp cận, phương pháp xây dựng hệ thống KSNB, cách thức đánh giá và cải tiến hệ thống KSNB theo tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng tại các tập đoàn thành công trên thế giới. Việc triển khai thực hiện theo chuẩn mực sẽ tạo nhiều khác biệt với phương pháp triển khai theo kinh nghiệm, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn về chi phí, hạn chế các sai lầm phổ biến, tăng hiệu quả và tính khả thi khi triển khai trong thực tế./.
NGÔ DOÃN HUY - CEO VISMA VIỆT NAM