Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và sự hiện hữu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), theo lộ trình hơn 98% hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn sau 10 năm, đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thích ứng đồng bộ, đồng thời và toàn diện. Đức trước vấn đề của hội nhập, các doanh nghiệp muốn tồn tại không còn con đường nào khác ngoài việc đánh giá thực trạng của mình nhằm đưa ra các giải pháp sẵn sàng đối mặt với thách thức và chuyển hóa thành cơ hội tạo thế và lực sẵn sàng cho cuộc đua hội nhập.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, với dân số trên 90 triệu người, trong đó có đến ~ 70% nằm trong độ tuổi 15-65. Đây được xem là điểm đến, một thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế trong đó có các quốc gia thuộc ASEAN. Tuy nhiên, thực lực và thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam là một nỗi lo lớn trong quá trình hội nhập, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại mà, dịch vụ mà là cả hệ thống tài chính, ngân hàng và cơ chế hành chính…dần đẩy các doanh nghiệp Việt thua trên chính sân nhà và từng bước nhường sân chơi cho các tổ chức kinh tế nước ngoài.
Cùng với nội dung Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO. Khi mà giờ G đang được đếm lùi thì hàng loạt nhà đầu tư thị trường nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để giành thị phần. Cùng với nó, câu hỏi: “Tương lai nào cho doanh nghiệp Việt Nam?” lại thành một mối lo ngại. Ví dụ điển hình như Lotte Hàn Quốc, Tập đoàn Center, Wal Mart của Mỹ, Auchan (Pháp)…Họ là những “ông lớn” có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các doanh nghiệp Việt, không chỉ là tài chính mà còn là kinh nghiệm, công nghệ quản lý và tầm nhìn chiến lược, uy tín thương hiệu và sự chuyên nghiệp cái mà các doanh nghiệp Việt rất thiếu và yếu và có thể còn rất lâu chúng ta mới có thể bắt kịp.
Chủ nhà sẽ đứng ở đâu và bài toán được mất khi tham gia hội nhập? Việc mất dần chỗ đứng và buộc nhường chỗ là điều đang hiện hữu khi ta chưa đủ chuyên nghiệp, với sự phát triển manh mún, thiếu bài bản và lối tư duy rất cũ của một xã hội rất mới. Thêm vào đó là cách làm việc quen theo kiểu “cơ chế”, các rào cản từ chính sách và thực thi chính sách của cơ quan chức năng đối với chính doanh nghiệp nhà, chính sách thu hút đầu tư làm bàn đạp thu hút doanh nghiệp nước ngoài và đầy doanh nghiệp Việt khó càng thêm khó.
Lịch sử cho thấy, Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về sự thông minh hiếu học cũng như những sáng tạo khoa học, ý tưởng siêu nhân… Nhìn thực tại, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với trình độ khoa học công nghệ thấp kém, lợi thế về lượng chưa thể làm thay đổi về chất, hướng về tương lai, với thách thức của sự hội nhập và bài toán cần lời giải?
1/ Đánh giá hiện trạng và tiềm lực của doanh nghiệp?
Doanh nghiệp không xem việc đánh giá hiện trạng và bản chất doanh nghiệp là một nhiệm vụ tối thượng, việc không đánh giá đúng, đánh giá đủ, đánh giá kịp thời, đánh giá thường xuyên dẫn dụ doanh nghiệp đến những quyết định mơ hồ về thực tại và không có giải pháp kịp thời với biến đổi của thực trạng và tiên lượng về tương lai của doanh nghiệp.
2/ Xác định mục tiêu sứ mệnh rõ ràng?.
Doanh nghiệp không xác định rõ mục tiêu của doanh nghiệp. Mục tiêu của Doanh nghiệp là do chủ Doanh nghiệp và những người đứng đầu xác lập ra. Tuy nhiên, mục tiêu của Doanh nghiệp và mục tiêu của Chủ doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cần xác lập và phân dịch rạch ròi giữa mục tiêu mà Doanh nghiệp theo đuổi và mục tiêu của Chủ doanh nghiệp.
Mục tiêu theo nghĩa hẹp là điều Doanh nghiệp kỳ vọng đạt được còn sứ mệnh là cái mà Doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng xã hội. Sứ mệnh cũng chính là con đường để Doanh nghiệp đạt được mục tiêu của mình. Sứ mệnh cũng là lý do để doanh nghiệp có thể trường tồn trong cộng đồng, hoạt động vì cộng đồng và thể hiện cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp với Cộng đồng.
3/ Thiết lập kế hoạch chiến lược?.
Doanh nghiệp không hoặc không biết cách thiết lập kế hoạch chiến lược hay thiết lập khoa học nên trong quá trình thực hiện bị động, thiếu linh hoạt. Trong quá trình tiến hành không phân tích, đánh giá năng lực nội tại, nghiên cứu phân tích xu thế toàn diện để thiết lập một kế hoạch khả thi. Việc không xây dựng hoặc không xây dựng đầy đủ khoa học, có cơ chế nghiên cứu phân tích trên thực trạng doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp tự đánh mất cơ hội trong quá trình hoạch định và thực hiện cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
4/ Kiểm soát toàn diện và tính kỷ luật trong triển khai?.
Doanh nghiệp không kiểm soát hoặc kiểm soát không toàn diện, việc thực hiện kế hoạch mang tính khẩu hiệu, trước sau không đồng thuận. Kiểm soát soát lỏng lẻo và thiếu kỷ luật dẫn đến tình trạng nhờn hoặc xem thường kế hoạch chiến lược đề ra. Trường hợp xấu Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản chiến lược hơn nữa có thể có nguy cơ phá sản doanh nghiệp, nhưng nhân viên thực hiện cùng lắm là cho nghỉ việc. Rủi ro này là điều doanh nghiệp cần tính đến trong quản trị người.
5/ Dùng người và trị người?
Doanh nghiệp không dùng đúng người, không giao đúng việc, không xây dựng quy trình, quy định, cơ chế quản lý, chức năng nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Không xác lập các kế hoạch mục tiêu phát triển nhân sự bền vững và nhân sự kế cận. Khi có những biến cố lỗi nghiệp vụ không xác định làm rõ trách nhiệm và cơ chế xử lý thỏa đáng dẫn đến tình trạng xem thường, khi làm được việc không có cơ chế đãi ngộ mà chỉ mang tính hình thức hay lời hứa xuông “Con lừa, cái gậy và củ cà rốt” sẽ làm nhân sự giỏi mất niềm tin và các doanh nghiệp khác có cơ hội lôi kéo và doanh nghiệp dần rơi vào thế bế tắc trong dùng người.
6/ Xây dựng niềm tin vào thương hiệu Việt.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, thương hiệu Việt và tất cả những gì Người tiêu dùng đã phải trải qua, niềm tin là một điều gì đó xa xỉ đối với họ. Đã đến lúc mỗi chúng ta phải tự nhận thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng bằng việc nỗ lực hơn nữa, triển khai đồng bộ, có trách nhiệm. Phát huy nội lực, tăng cường cải tiến khoa học kỹ thuật, áp dụng lợi thế hội nhập từng bước xây dựng và chiếm trọng lại niềm tin vào một thương hiệu thuần Việt. Đây cũng là bài toàn về sự tồn tại duy nhất trên chính sân nhà của các Doanh nghiệp và Doanh nhân Việt khi nghĩ về thương hiệu Việt./.
DOÃN HUY - CEO VISMA VIỆT NAM