Dưới đây là cách để tránh những rủi ro mà thành công lâu dài có thể đem tới qua những câu chuyện, lời khuyên của ba chuyên gia tư vấn kinh tế về 6 cạm bẫy cơ bản đang thách thức những doanh nhân đã thành danh.
1. Sự tự mãn
Một khi công ty đã phát triển đến mức họ sở hữu riêng một mảng thị trường hàng hóa hoặc dịch vụ, cách nhanh nhất để họ trở nên trì trệ chính là làm theo lối tư duy thông thường hay những phương thức kinh doanh lỗi thời. Chuyên gia Mark Stevens, Tổng giám đốc của MSCO, một công ty tư vấn quản lý tại New York nhớ lại về một nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đã tồn tại suốt 69 năm qua, đã đặt câu hỏi rằng đến khi nào thì truyền thông đại chúng mới "biến mất". Ông nói "Vấn đề tồi tệ nhất là một công ty luôn có một cách thức nào đó để duy trì những thói quen vốn có của mình, kể cả khi tất cả mọi bằng chứng đều cho thấy hiện tại những điều đó không còn đúng đắn nữa".
2. Chi phí nhân công
Khi một công ty phát triển và những nhân viên mẫn cán nhận được tiền lương tăng lên hàng năm, những khoản thù lao họ nhận được có thể không tương xứng với chất lượng công việc mà họ làm được. "Chúng tôi từng đến nhiều công ty và nhận thấy lương là vấn đề khiến nhiều nhân viên băn khoăn nhất", Corey Massella, chuyên gia làm việc tại công ty tư vấn doanh nghiệp Citrin kết luận. "Bạn có thể tìm thấy những thư ký làm việc lâu năm nhàn rỗi nhưng lại có mức lương tương đương trưởng phòng". Hãy tính toán lại lương cho nhân viên hàng năm, hãy đảm bảo rằng chúng giữ được tính cạnh tranh trên thị trường lao động nhưng vẫn tương xứng với khối lượng nhiệm vụ và trách nhiệm mà họ được giao phó.
3. Thiếu đề phòng trước những tình huống bất ngờ
Ngay cả trong lúc vận hành tốt nhất, nhiều công ty cần xây dựng kế hoạch ứng phó với những tình huống bất ngờ, thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng hay những biến động đột ngột trong ngành kinh doanh. Vì thế, việc dự trữ tiền mặt, chính sách bảo hiểm phù hợp và những mối quan hệ thân tín là việc tối quan trọng trong thời điểm kinh tế ổn định, chứ không chỉ khi mọi thứ trở nên khó khăn. "Tôi đã chứng kiến nhiều công ty gục ngã trong đợt suy thoái này và một số phải trải qua những áp lực khủng khiếp nhất là những ngành liên quan đến bất động sản", Massella nói.
Bạn cần tính đến những tình huống như công ty sẽ phản ứng và phục hồi như thế nào nếu một đối thủ cạnh tranh tung ra một sản phẩm mang tính đột phá, hay khi một nhân viên chủ chốt ngã bệnh, tồi tệ hơn là công ty bị mất trộm. Những sự kiện như vậy có thể khiến nhiều người cảm thấy bế tắc và khó khăn nhưng nếu chúng ta đã lường trước các tình huống này thì việc xử lý và ứng phó sẽ đơn giản hơn nhiều.
4. Đánh mất tầm nhìn giá trị doanh nghiệp
Những doanh nhân chỉ tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận cao nhất mà bỏ qua những giá trị lâu dài của công ty sẽ phải đối mặt với việc phát triển mà không có nền tảng vững chắc, Jim Muehlhausen, nhà sáng lập Viện Mô hình kinh doanh tại Indianapolis, Hoa Kỳ nhận xét. Người lãnh đạo tài ba nhất là những người vừa phát triển doanh thu vừa xây dựng giá trị, văn hóa công ty.
Ông đặt ra câu hỏi "Nếu người chủ công ty là bạn chẳng may không thể tiếp tục lãnh đạo, công ty của bạn có còn giá trị gì không?". Gần 1/3 số cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sau khi nhà sáng lập của chúng nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ, Muehlhausen giải thích rằng đó là bởi họ đã không gây dựng một mục đích, mối quan tâm chung để tất cả mọi hoạt động đều xoay quanh chúng.
5. Bỏ quên những mục tiêu cá nhân
Khi công ty phát triển, hãy đánh giá xem tình trạng của nó có khớp với mục tiêu tài chính, cá nhân của bạn không. "Khi mọi thứ phát triển, hãy tự hỏi mình xem việc điều hành công ty có còn nằm trong mục đích của bạn không", Massella nói. Một hợp đồng rủi ro cao nhưng lợi nhuận lớn có thể là một thách thức đầy hấp dẫn với những người trẻ tuổi hay những người có con cái đã trưởng thành, nhưng nó sẽ không phù hợp với người mới có gia đình hay con cái sắp vào đại học. Nếu không, hãy thành thực với chính mình và tìm kiếm một chiến lược rút lui.
6. Quá nhấn mạnh vào việc "cha truyền con nối"
Gần như tất cả mọi người đều hiểu nhầm rằng con cái bạn sẽ muốn tiếp quản công ty và sẽ được trang bị đầy đủ để đảm nhiệm việc đó thành công, Steven nhận xét. "Tôi có hai con trai và tôi thực sự mãn nguyện khi để chúng tham gia vào công việc của mình, vì thế tôi hiểu được cảm giác đó phấn khích thế nào. Tuy nhiên, bạn có thể cho con bạn một chiếc xe hay một số tiền trong quỹ đầu tư, nhưng nếu bạn muốn truyền lại một sản nghiệp, chúng phải có tố chất để điều hành công ty đó, và hầu hết mọi người thì không. Hãy đặt ra một kế hoạch rút lui sáng suốt mà đừng kéo theo con cái tham gia thế chân trừ phi chúng thật sự háo hức, có tố chất doanh nhân được đào tạo bài bản để có thể duy trì sức sống cho công ty trong thời gian dài".